Monday, July 28, 2008

im lặng thở dài

Giả sử, nếu bây giờ có một nhân vật A nào đó nói với bạn, rằng họ nghe B, C, D… nói về bạn (hoặc bạn thân của bạn) những điều không được hay lắm. Phản ứng đầu tiên của bạn là gì?
  • - Im lặng, nghe cho hết, tự tôi suy ngẫm về những điều người ta nói (phía sau) về tôi
  • - Nổi khùng lên, chửi con B, thằng C nào đó không tiếc lời (chưa cần biết “nó” là ai).
  • - Truy cho ra con B thằng C đó là ai, rồi nói cho chúng biết bạn là thế nào.
  • - Không cần nghe hết, vài câu là đủ suy ra “nó” là đứa nào và tìm cách “xử lý”…

Lâu rồi, tôi chọn cách thứ nhất: im lặng và nghe. Không nghe hết, sao biết được người ta những gì, những điều người ta nói đúng sai đến đâu, người ta nói là để tôi cảnh giác hay chỉ là những lời bịa đặt ác ý? Nghe và tìm hiểu xem, những thông tin ấy xuất phát từ nguồn tin nào. Dĩ nhiên, nếu là những kẻ hay chuyện, ngồi lê đôi mach suốt ngày kiếm chuyện người làm vui thì có thể ngay lập tức bỏ qua không suy nghĩ. Nhưng nếu nó xuất phát từ những người quanh tôi, từ những người tôi yêu quý và có thể có chút tình cảm với tôi, thì càng cần phải tìm hiểu xem vì sao người ta nói thế. Một người nói và nói 1 lần thì có thể là bong đùa. Nhưng nếu nhiều người nói, và nói nhiều lần thì chắc cần phải có nguyên do của nó. Mà như thế, thì phải tìm cho bằng được nguyên nhân. Dĩ nhiên, không phải bằng cách làm cho ầm ĩ, tìm cho bằng được người đưa ra thông tin đó là những ai, rồi thanh minh, giải thích blah blah… Tìm, để biết. Để kiểm chứng. Và để hiểu, vì sao người ta đối xử với tôi như thế, để mà có cách ứng xử cho phù hợp với những gì người ta đã “ưu ái” dành cho tôi.

Tiếc rằng, cuộc sống xung quanh ngày càng nhiều những người lựa chọn cách xử sự thứ 2 & 3. Thậm chí, đó là người mà bạn luôn coi là bạn. Là người mà khi bạn nói với họ những tin tức chẳng mấy hay ho, là vì bạn đã nghe quá nhiều từ những người xung quanh người đó, là vì bạn biết một phần trong những câu chuyện đó là sự thật… thì người ta sẵn sàng lồng lên và không cần nghe hết, người ta sẵn sàng xỉa xói bạn không tiếc lời cho dù bạn luôn coi họ là bạn và những điều bạn nói chỉ hoàn toàn mang tính chất thông tin: không phán xét, không nhận định. Đã có lúc cảm thấy bất lực khi nhìn thấy bạn bè như thế, mà không thể làm gì. Đã buồn vì những phản ứng rất buồn cười. Nhưng nghĩ lại, thấy mình nhẹ nhàng. Vì đã sống hết với bạn. Đã nói hết những điều cần nói, cả những suy nghĩ của mình với một mong muốn cho bạn tốt hơn. Phản ứng thế nào còn tuỳ vào mỗi người. Vì chính bạn chứ không ai khác là người quyết định cuộc sống của bạn.

Tôi luôn cho rằng, những người không dám nghe hết những chuyện người khác nói về mình, không phải vì họ cho rằng không đáng nghe, mà vì người ta không đủ can đảm để đối diện với những điều đó. Nhất là khi họ, chính họ chứ không một ai khác, hiểu rằng những thông tin ấy là thật, chứ không hề là những lời đồn thổi hay bịa đặt ngoa ngoắt lắm điều. Vậy nên, cái phản ứng lồng lộn hay nổi khùng lên chỉ là sự phản vệ yếu ớt, để chạy trốn khỏi sự thật mà chính bản thân bạn biết rõ nhất. Khi không đủ can đảm để đối diện, ngày càng chìm sâu vào sự bế tắc và ù lì của chính mình, sẽ chẳng có tương lai nào cho bạn ngoài sự lệ thuộc. Sự lệ thuộc cho đến hết cuộc đời. Có bao giờ bạn nghĩ rằng, nếu cứ sống như thế thì đến một lúc nào đó, sự lệ thuộc đang giành cho bạn sẽ chỉ còn là một sự ban ơn và thương hại? Và với chính bạn, bạn có lúc nào thôi suy nghĩ, thôi day dứt vì cảm thấy tội lỗi? Bạn có thật sự vui như nụ cười trên môi bạn? Bạn có thấy yên ổn như cái cách mà bạn đang cố tỏ ra cho mọi người thấy? Tôi tin là không. Làm sao có thể yên ổn, sao mà có thể có được phút giây nào yên ổn khi mà lúc nào cũng trốn chạy, khi mà không có lúc nào dám đối diện chính mình!

Cũng có một vài người chọn lựa cách xử sự thứ 4: không cần nghe gì cả, suy đoán và áp đặt, chụp mũ ngay lập tức cho người mà bạn nghĩ là đang hiềm khích với bạn mà không cần kiểm tra một cách chi tiết. Người ta không vô cớ khi nói “trăm nghe không bằng một thấy”. Chỉ nghe thôi, sao dám kết luận? Chỉ nghe thôi, sao bạn chắc chắn rằng kẻ “ném đá giấu tay” ấy chính là người bạn đang nghĩ? Gái thì còn bảo là hiềm khích đố kị nhau, nhưng thậm chí cả giai cũng thích trò quy chụp cho người khác, đôi khi không hiểu nổi những kẻ như thế thuộc giới nào.

Tôi mượn 2 câu của bạn K để làm lời kết cho cái entry này:

1. “Mình không xài tiền của ai, không cần ai nuôi, không nhờ vả ai hết, buồn cũng tự release nó đi được”… hà cớ gì thiên hạ cứ thích chĩa mũi về mình? Hay là cứ phải mượn tiền họ, nhờ vả họ, khi buồn thì than thở giãi bày với họ… thì người ta mới hài long, mới để mình yên?

2. “giờ thích dại, muốn gì nói đó, cái gì cũng có cái giá của nó, hí hí, chửi nó mà mình vui như tết thì nên chửi chứ nhỉ :)” – Dĩ nhiên là không vô cớ mà chửi. Nó ko làm gì mình, không động chạm gì đến mình thì có cho tiền mình cũng chả them tốn hơi nhọc sức chửi nó để mua vui thiên hạ mà làm gì