Sunday, November 16, 2008

Người Nam nói giọng Bắc

Cuộc gọi từ xa lắc xa lơ và số máy lạ đủ để chẳng bao giờ đoán được người gọi là ai. Cuộc gọi không bao giờ bị từ chối. Giọng lơ lớ, không ra Bắc, cũng chẳng phải người Nam.

- Em đang làm gì thế? Chừng nào về VN anh lai em đi chơi nhé!

Cô nhíu mày mất 5 giây. Và chịu ko nhận ra được người gọi là ai. Âm điệu lạ. Thứ ngôn ngữ cũng lạ. Thường người ta nói “đưa”, “chở” hoặc “đèo” đi chơi. “Lai” là từ đặc trưng của quê cô, mà từ lâu lắm rồi không còn được nghe thấy.

Dường như biết cô thắc mắc, phía đầu dây bên kia là tiếng người cười khoái chí “đúng là khủng long ngốc ha ha”... lần này thì cô nhận ra. Gọi cô là khủng long chỉ có 1 người bạn cũ. Ít ra cũng là 7 năm rồi. 7 năm, bao nhiêu cuộc điện thoại đường dài, chưa bao giờ nghe thấy giọng nói như hôm nay. “Thấy anh nói giọng Bắc giỏi không? Tiếng Bắc luôn nhé. Chơi thì chơi mà lúc nào học là cũng giỏi lắm đó. Ở bên này có mấy đứa nó dạy anh tiếng Bắc, coi vậy mà cũng được nhiều lắm rồi đó. Để anh nói cho khủng long nghe nhé...”.

Và rồi, chẳng để cô kịp nói thêm lời nào, phía đầu dây bên kia đã lại tiếp

- Dọc mùng thì gọi là bạc hà

- Cái bát ăn cơm là cái chén

- Cái chén là cái ly

- Cái mũ gọi là cái nón

- Phanh xe là cái thắng

- ...

Anh cứ nói 1 hồi, say mê trong những ngôn ngữ, những điều mới mẻ mà anh mới học được. Trong suốt 7 năm, chưa có lần nào nói chuyện mà cô thấy anh vui vẻ và hào hứng đến thế. Anh khoe với cô, có ông bạn lớn tuổi bên đó thường trêu anh: ê, mày coi chừng chém cha không bằng pha tiếng nhé. Và anh, bao giờ cũng trả lời: Úi giời ơi, nhưng mà em nhớ bu em quá, cho em nói ít tiếng Bắc đi anh... Rồi anh ngừng lại 1 chút, nói với cô: đấy nhé, anh cũng biết tiếng Bắc rồi nhé. Khủng long đừng có tinh vi nhé. Cô Bắc kỳ coi vậy mà cũng vi tính lắm. Giờ thì quên đi nhé, anh cũng biết nhiều ra phết đấy, đừng có khinh nhau nhé...

Anh còn kể nhiều, nhiều nữa về những điều anh vừa biết. Anh như muốn nói cho cô nghe về tất cả những điều anh mới học được... Cô cười và cô bị cuốn theo sự hứng thú của anh. Cô dạy thêm cho anh những từ mà anh không nhắc tới và cô đoán là anh chưa biết. Bao giờ anh cũng dừng lại để ghi vào “từ điển” của anh. Có những từ cô phải giúp anh đánh vần vì.... anh không biết phải viết chúng như thế nào. Và ngay sau đó anh nhẩm đi nhẩm lại như trẻ con học thuộc lòng. Ở đầu dây bên này, cô bật cười thành tiếng khi nghe anh khoe, những từ này anh sẽ nói với những người bạn của mình vào ngày mai, khi anh gặp họ.

Bảy năm cô với anh là bạn. Chưa bao giờ cô thắc mắc về những từ địa phương mang đặc trưng Nam bộ mà anh nói với cô. Cũng như chưa bao giờ anh cần cô giải thích 1 từ gì trong ngôn ngữ của mình. Anh bảo, vì lúc trước anh chỉ nói chuyện với cô là người Bắc, còn lại thì đều nói “tiếng Mĩ” với mọi người xung quanh. Còn bây giờ, khi anh chuyển sang 1 thành phố khác, trong công việc của anh có nhiều người Việt hơn. Trong số đó, cứ 10 người thì chỉ có 2 người là Nam bộ, còn lại đa phần là Bắc và Trung, cho nên anh phải học ngôn ngữ của họ để hiểu người ta nói gì

Trước nay cô chỉ thấy người Bắc vào Nam dễ bị pha tiếng của người Nam chứ chưa khi nào thấy người Nam học ngôn ngữ Bắc, nói giọng Bắc như anh. Mà anh nói giọng Bắc khá chuẩn, dù chưa thật như người Bắc nhưng cũng đủ để cô không thể ngay lập tức nhận ra đó là anh. Ngày xưa mỗi lần trò chuyện, anh hay làm cô cười vì cách sử dụng tiếng Việt của anh. Bây giờ, anh vẫn làm cô cười bằng cách nói chuyện ấy, bằng thứ ngôn ngữ ở chính nơi cô đang sống.

Và cô thấy những ngày cuối tuần bỗng nhiên thật đẹp

-------------------------

Việt … "Lai" hình như là đặc trưng của vùng Thanh Hóa thì phải?